Khởi nghiệp với “Hai bàn tay trắng” có thể là câu chuyện truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp nơi trên thế giới, nhưng có thể là ảo tưởng sai lầm rằng chúng ta có thể khởi nghiệp thành công khi chúng ta thực sự không có gì !!! Trên hành trình khởi nghiệp với Kafela Coffee, mình nhận thấy vốn khởi nghiệp bao gồm nhiều yếu tố lắm, mà yếu tố nào cũng có thể là lợi thế hoặc rào cản mạnh mẽ, tuỳ theo cách chúng ta đầu tư vào công tác quản lý vốn. Chia sẻ với các anh/chị/em suy nghĩ của mình về Vốn Khởi Nghiệp.
1. Vốn sức khoẻ
Sức khoẻ luôn là yếu tố No 1. Càng làm việc khó , việc lớn, bạn càng phải chú ý giữ gìn và dung dưỡng sức khoẻ, bao gồm cả sức khoẻ vật chất và sức khoẻ tinh thần. Làm việc đa nhiệm, thời gian kéo dài với cộng sự và đối tác đòi hỏi bạn phải có sự linh hoạt, luôn nhiệt huyết, năng lượng. Thiếu ngủ có thể khiến bạn suy nhược thần kinh, hạn chế khả năng tư duy sáng tạo… Mất cân bằng sinh học sẽ dễ dẫn đến stress và trạng thái kiệt sức…… Do vậy, ăn uống khoa học điều độ, tập thể dục đều đặn là ưu tiên số 1…. Sẵn sàng ngắt việc nghỉ ngơi khi cần thiết, và hiểu rằng khởi nghiệp là hành trình Marathon dài, đòi hỏi sức bền và sự điều sức nhịp nhàng.
2. Vốn đam mê
Đôi khi chúng ta lầm tưởng mình đam mê một điều gì đó, vì có thể đó chỉ là 1 ý thích nhất thời hoặc một mong muốn theo xu hướng trào lưu hoặc chịu ảnh hưởng nhất thời của một ai đó. Hãy cẩn thận! Vì những đam mê ngắn hạn có thể đốt chúng ta bùng cháy, nhưng lại rất sớm nguội lạnh, lụi tàn. Bạn có thể nhận biết đam mê của mình qua 3 khía cạnh: thế mạnh cá nhân, sự hiểu biết và niềm tin.
Thật khó mà tin đó là đam mê của bạn nếu bạn không thể làm việc đó một cách thuần thục, tốt nhất trong giới hạn của bạn. Đam mê ẩm thực, bạn sẽ biết nấu ăn, giỏi cảm nhận đánh giá về món ăn, hoặc đạt trình cao trong thưởng thức các tinh hoa ẩm thực, Đam mê thời trang, bạn sẽ biết thiết kế, may đo, sáng tác, phối cách, hoặc thậm chí ít nhất bạn là người thực sự có gu ăn mặc xuất sắc… Đam mê việc gì thì bạn sẽ muốn giỏi việc đó, biến đó trở thành thế mạnh riêng có của bạn.
Sự hiểu biết của bạn về đam mê của bạn sẽ cho thấy bạn dành bao nhiêu thời gian, tâm sức của bạn cho lĩnh vực này. Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, tham gia các khoá học, đàm đạo với chuyên gia, tìm kiếm cơ hội để thực hành…. bạn sẽ không bỏ lỡ điều gì để có thể có được càng nhiều hiểu biết về điều mình thực sự đam mê.
Sự hiểu biết sâu sắc sẽ hình thành chính kiến của bạn, Niềm tin trong bạn, của bạn. Lúc này, đam mê của bạn sẽ có chỗ đứng vững chắc trong đời sống của bạn để “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” . Khi ấy đam mê sẽ là nguồn vốn nội tại bất tận cho hành trình khởi nghiệp của bạn.
3. Vốn kiến thức
Có nhiều tấm gương về chuyện bỏ học để khởi nghiệp, và nhiều người tin rằng đó là cách để khởi nghiệp thành công. Nhưng thực ra, người khởi nghiệp “đi học” và “bỏ học” đều cần vốn kiến thức. Một người học từ giáo trình, sách vở, trường lớp, học xong rồi mới làm… Một người học từ thực tế, vừa học, vừa làm. Cả 2 cách đều được, tuỳ thuận hoàn cảnh mà theo. Tuy nhiên, khởi nghiệp đòi hỏi vốn kiến thức khổng lồ: kiến thức ngành nghề, kiến thức kinh doanh, kiến thức quản trị lãnh đạo… Người đã học xong thì vẫn sẽ học tiếp, người từng bỏ học thì sẽ quay lại học từ đầu…. Quá trình trau dồi kiến thức sẽ không bao giờ dừng lại…
4. Vốn kỹ năng
Nhà khởi nghiệp thường là người đa nhiệm, thực hiện nhiều chức năng công việc, vì vậy vốn kỹ năng càng lớn, lợi thế càng nhiều, bao gồm lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, giao tiếp, truyền thông, thuyết trình, Networking, tạo động lực, sáng tạo, quản trị thời gian, thuyết phục, đàm phán…. Cờ đến tay là phất… chưa biết cứ làm, làm kém vẫn làm, làm nhiều sẽ tốt lên… Bằng cách đó, vốn kỹ năng sẽ gia tăng theo thời gian.
5. Vốn tinh thần
Khi khởi nghiệp, bạn cần một chút mơ mộng để dám tin, dám hình dung về những kết quả xứng đáng có thể đạt được trong tương lai xa tít tắp. Một chút mộng mơ thôi… Quan trọng hơn là tinh thần Lạc quan và Tích cực trước những khó khăn chồng chất, và những cơ hội tiềm tàng khó đoán định. Vốn tinh thần lớn sẽ cho bạn ý chí, sự quyết đoán và kiên trì, bền bỉ đúng đắn.
6. Vốn trải nghiệm
Vốn trải nghiệm được đo lường bằng những thành công, thất bại và những bài học bạn có được trong hành trình sống và khởi nghiệp của mình. Một người có bề dày kinh nghiệm sẽ hiểu được đúng bản chất và xu hướng của những hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn gặp phải khi khởi nghiệp. Họ thấm nhuần tư tưởng “Khó khăn nào rồi cũng qua” “Vấn đề nào rồi cũng có cách giải quyết”… Vốn trải nghiệm khiến chúng ta lỳ đòn hơn, nhạy bén hơn, biết chấp nhận và chịu đựng trước những áp lực hơn…giữ cho chúng ta kiên định và can đảm.
7. Vốn Thái độ
Vốn thái độ bao gồm tính Chuyên nghiệp, sự Nghiêm túc, tính Cởi mở Linh hoạt , sự Cầu thị, lắng nghe, sẵn sàng học hỏi, luôn Biết ơn … Kể tên thì dễ, nhưng vốn thái độ có lẽ làm loại vốn mong manh, dễ hao mòn nhất… vì nó tuỳ thuộc nhiều vào cảm xúc con người … Nhiều người chúng ta, tuy có nhiều loại vốn khác, nhưng lại có thể thuộc kiểu người “Sáng nắng chiều mưa” , “tâm trạng lồi lõm”, “tính khí thất thường”… Vậy nên, để khởi nghiệp thành không cần chú ý rèn tính và quản trị cảm xúc…
8. Vốn quan hệ
Cái vốn này nhiều người chú trọng lắm, ngay từ khi có ý định khởi nghiệp là nghĩ đến việc tạo dựng và khai thác các mối quan hệ làm đòn bẩy. Cũng là cách không ngoan, nhưng điều quan trọng là bạn phải trau dồi và tích luỹ các loại vốn 1-8 trước thì mới có thể tạo nền tảng vững chắc để thiết lập và vun vén nguồn vốn quan hệ. Phải thực sự có nhiều vốn nội lực thì bạn sẽ có nhiều giá trị để trao đổi và giao lưu hợp tác với Cộng sự, Đối tác, Nhân viên và Khách hàng của mình. Không nên mang tư tưởng “săn bắt, hái lượm” hòng khai thác, tận dụng mọi mối quan hệ bằng mọi giá để khởi nghiệp, sẽ làm hao tổn vốn quan hệ trong dài hạn. Nên chú trọng những mối quan hệ win-win chất lượng và bền vững để khi thời thế thuận hoà có thể đòn bẩy vốn quan hệ thành giá trị gia tăng theo cấp số nhân cho tất cả các bên.
9. Vốn tài chính
Vốn tài chính thường là vốn “đầu tiên” được nói đến khi khởi nghiệp kinh doanh. “Đầu Tiên” - “ Tiền đâu?” . Tiền đầu tư ban đầu, tiền duy trì vận hành, tiền đầu tư cho tăng trưởng…. Nếu tính toán kỹ, thì tốt nhất nên bắt đầu nghĩ đến kêu gọi vốn đầu tư cho giai đoạn tăng trưởng, khi mà chúng ta đã thực sự làm chủ được các nguồn vốn 1-8, là những gì chúng ta rèn luyện, tích luỹ, trải nghiệm được trong giai đoạn đầu của hành trình khởi nghiệp… Hiện thực hoá được ý tưởng kinh doanh, củng cố được niềm tin và thuần thục với những bài toán kinh doanh với năng lực nội tại!
10. Vốn tâm linh
Không phải là hướng chúng ta đến sự cầu may, kiểu ăn may theo thời vận. Nếu bạn hiểu, cuối cùng thì cuộc sống hay công việc cũng chỉ là những công cụ để chúng ta tu rèn phước đức cho bản thân mình. Rèn luyện trau dồi bản thân mỗi ngày cho tốt hơn, dù trong hoàn cảnh nào… phấn đấu không ngừng để cống hiến nhiều giá trị hơn cho con người và cuộc đời … Thực sự thì đấy mới là mục đích gốc rễ của hành trình khởi nghiệp. Vốn này càng lớn, thì tham vọng về kết quả càng bớt, khiến cho nhà khởi nghiệp có thể bình tĩnh, tuỳ duyên, mà bất biến.
Thực sự thì, khi khởi nghiệp, nguồn vốn nào cũng là nguồn vốn cần luân chuyển, vào ra nhịp nhàng… Có khi mình đầu tư, dốc hết trái tim, trí tuệ và tâm sức…. có khi mình khép nép để dung dưỡng, gìn giữ… Và cuối cùng, kết quả kinh doanh có âm hay dương, thì nguồn vốn 1-10 vẫn đạt tăng trưởng đều đều!!!!